Giá sốc trong tuần

Phân biệt các loại CPU: Core i3, Core i5, Core i7 trên Laptop

13/06/2016 11:29

Chắc hẳn nhiều bạn tò mò tự hỏi, các thông số CPU Core i3, Core i5, Core i7 là gì mà người ta lại phân biệt rõ rang như vậy. Cứ core i cao là máy chạy nhanh và mượt . Hôm nay Laptop Đức Việt gửi tới các bạn bài giải thích rõ hơn về các loại CPU

Dưới đây là bảng phân tích sự khác nhau của CPU Core i3, Core i5, Core i7

Nhân CPU là gì?

Trên thực tế, mỗi nhân CPU thực chất là 1 CPU vật lý riêng biệt. Một CPU 2 nhân tuy bề ngoài giống như CPU đơn nhân, nhưng thực ra nó có 2 CPU vật lý trên con chip. 

CPU thứ 2 thêm vào đó cho phép máy tính của bạn làm được nhiều việc, xử lý nhiều tác vụ cùng 1 lúc. Nếu đã từng dùng các PC chỉ có chip 1 nhân, bạn hẳn sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt sau khi nâng cấp máy tính của mình lên chip 2 nhân: máy chạy mượt mà hơn, các ứng dụng không gặp hiện tượng chậm, lag. 

Một ví dụ như khi bạn vừa thực hiện giải nén 1 tập tin vừa lướt web cùng 1 lúc. Nếu PC của bạn chỉ có chip 1 nhân, việc lướt web của bạn sẽ trở nên rất khó khăn và hiện tượng chậm máy xảy ra. Đó là vì lúc này con chip phải cùng 1 lúc gánh 2 công việc: lướt web và giải nén file. Nếu bạn có 1 CPU với 2 nhân xử lý, lúc này một nhân sẽ chịu trách nhiệm xử lý việc giải nén, trong khi nhân còn lại làm công việc lướt web. Lúc này, việc duyệt web của bạn sẽ mượt mà hơn rất nhiều. 

Bên cạnh đó, cho dù bạn không chạy nhiều ứng dụng cùng lúc, PC của bạn cũng thường chạy ngầm các tác vụ. Bởi thế, ngày nay bạn nên trang bị cho PC của mình 1 con chip ít nhất có 2 nhân xử lý trở lên nếu muốn hệ thống hoạt động mượt mà. 

Hiện nay nhiều ứng dụng khi được lập trình cũng được phát triển để tận dụng các CPU đa nhân. Ví dụ như trình duyệt Chrome của Google. Chrome render mỗi website với từng tiến trình (process) riêng biệt. Điều này cho phép trình duyệt sử dụng các CPU vật lý khác nhau cho các website khác nhau thay vì sử dụng 1 CPU cho tất cả các tác vụ liên quan đến duyệt web. 

Tốc độ xung nhịp và nhân

Từng CPU đều có tốc độ xung nhịp (clock speed) đại diện cho tốc độ làm việc nhanh hay chậm của con chip xử lý đó. Ví dụ, chip Core i5-3330 của Intel là chip 4 nhân có tốc độ xung nhịp là 3 GHz. Như vậy có nghĩa là từng nhân trong 4 nhân trong con chip này đều có tốc độ 3 GHz.

Hiện nay, nhiều chương trình máy tính là các chương trình đơn luồng (single-threaded), tức là nó không tận dụng được các CPU đa nhân. Chúng phải chạy trên 1 nhân mà thôi. Bởi thế, một con chip có số nhân gấp đôi không đồng nghĩa với việc hiệu năng được tăng lên 2 lần. Nếu bạn có 1 ứng dụng đơn luồng chạy trên hệ thống có CPU 4 nhân tốc độ 3 GHz, ứng dụng đó sẽ chạy ở tốc độ chỉ 3 GHz mà thôi. Ứng dụng sẽ chỉ dùng tới 1 nhân xử lý, còn 3 nhân còn lại sẽ nằm ở trạng thái idle (nghỉ). Nếu có một tác vụ khác được yêu cầu, các nhân này mới đi vào hoạt động. 

Trong khoa học máy tính, việc viết các ứng dụng đa luồng (multithreaded) với khả năng scale (mở rộng) được trên nhiều CPU cùng lúc là một công việc không hề đơn giản. Trong khi đó, xu hướng hiện nay là các nhà sản xuất thường đi theo hướng tăng số nhân cho vi xử lý thay vì tăng mức xung cho con chip. Hệ quả là tốc độ chạy nhiều ứng dụng không được cải thiện bởi chúng không thể tận dụng được số nhân thêm vào này trong khi xung nhịp của từng CPU vẫn như cũ. 

Chip nhiều nhân có ích khi bạn chạy nhiều ứng dụng cùng lúc và khi bạn chạy các ứng dụng đa luồng. Một ví dụ như nếu bạn cùng lúc vừa chạy máy ảo, vừa encode video, vừa giải nén tập tin...trên máy, một CPU 10 nhân sẽ giúp công việc của bạn trôi chảy hơn nhiều so với CPU 4 nhân. 

Hyper-Threading là gì?

Hyper-Threading công nghệ cung cấp 2 luồng (thread) trên mỗi nhân, tức là nhân đôi số tác vụ mà một bộ vi xử lý có thể thực thi.

Hyper-Threading sẽ tách 1 nhân vật lí thành 2 nhân logic, song sự chênh lệch về hiệu năng thường chỉ vào mức 20%.

Turbo Boost là gì?

Turbo Boost là công nghệ nâng hiệu suất máy tính lên thêm 20%, giúp hệ thống hoạt động nhanh hơn và kéo dài thời lượng pin, bằng cách tự động điều chỉnh xung nhịp của từng nhân độc lập cho phù hợp với nhu cầu xử lý.

Bên cạnh đó, mạch điều khiển bộ nhớ tích hợp (integrated memory controller) cũng được Intel đưa vào chip, giúp việc trao đổi dữ liệu giữa nhân điện toán và bộ nhớ nhanh hơn so với khi các thành tố nằm tách biệt trên bảng mạch

Cache là gì?

- Cache là bộ nhớ đệm giữa CPU và RAM. Cache càng cao thì CPU càng ít phải lấy dữ liệu từ RAM, giúp tăng tốc độ xử lí.

Vậy nên lựa chọn dòng chip như thế nào, Core i3, Core i5, Core i7?

Ở phân khúc giá thấp, chip Core i3 trên laptop chỉ có 2 nhân và không hỗ trợ Turbo Boost để tăng xung nhịp theo nhu cầu xử lí. Chip Core i3 trên laptop có hỗ trợ Hyper-Threading, do đó bạn sẽ thấy 2 nhân vật lí và 2 nhân logic khi mở Task Manager.

Tất cả các mẫu chip Core i5 và Core i7 trên laptop đều hỗ trợ Turbo Boost, nhưng cũng bắt đầu từ đây mọi thứ trở nên rối loạn. Phần lớn chip Core i5 chỉ có 2 nhân xử lí (có Hyper-Threading), số lượng Core i5 có 4 nhân xử lí (không hỗ trợ Hyper-Threading) trên laptop là khá ít. Các chip Core i7 có trên laptop có thể có 2 nhân hoặc 4 nhân, tất cả đều hỗ trợ Hyper-Threading. Nhìn chung, laptop chơi game hoặc workstation thường có Core i7 lõi tứ, còn laptop doanh nhân thường dùng Core i7 lõi kép.

Cuối cùng, Core i3 trên laptop thường chỉ có 3 MB cache, Core i5 có từ 3 MB hoặc 4 MB cache còn Core i7 có từ 6 MB đến 8 MB cache.

Ngay cả khi chưa bàn tới sức mạnh đồ họa thì cách phân biệt sản phẩm này của Intel đã là đủ phức tạp. Song, để đưa ra quyết định mua sắm, bạn vẫn cần suy nghĩ kĩ về nhu cầu của mình: nếu chỉ cần làm việc văn phòng và lướt web, hãy chọn Core i3. Hiệu năng của Core i5 và Core i7 lõi kép vượt trội hơn nhưng vẫn không đủ để chơi game, do đó nếu nhu cầu của bạn có "nặng ký" hơn một chút so với thông thường, ví dụ như code hoặc Photoshop, bạn có thể mua laptop chạy Core i5 và ưu tiên hơn vào RAM.

Nếu chơi game hoặc cần chỉnh sửa video, bạn buộc phải tìm tới các model laptop có sử dụng Core i7 lõi tứ.

Vô vàn lựa chọn chip tầm trung

Có quá nhiều mẫu laptop mang danh là chạy Core i5 và Core i7 nhưng lại không đủ sức mạnh cho người dùng cần hiệu năng tuyệt đối. Thật may mắn là bạn có thể dễ dàng tránh các dòng laptop "tưởng mạnh mà yếu" này bằng cách nhìn vào kí tự ở cuối tên chip: nếu có kí hiệu U, UM hoặc Y, đây chắc chắn là chip 2 nhân tiết kiệm điện và do đó có hiệu năng thấp kém. Bù lại, chúng giúp cho laptop của bạn giữ được pin lâu hơn, chạy mát hơn và do đó cũng thường được sử dụng trên các mẫu laptop siêu mỏng.

Điều này đặt ra một câu hỏi: trên laptop thì bạn nên chọn chip Core i3, Core i5-U hay Core i7-U khi chúng đều có 2 nhân 4 luồng? Nhìn chung, chip dòng cao hơn vẫn sẽ mạnh mẽ hơn chip đời thấp. Ví dụ, Core i7-U có thể tăng xung nhịp lên mức cao hơn Core i5-U và cũng có dung lượng cache lớn hơn. Song, bạn vẫn cần lưu ý rằng ngay cả các con chip Core i7 lõi kép mạnh nhất vẫn không đủ sức mạnh để chiến game "đỉnh" ở mức độ thỏa mãn.

Chip Core lõi tứ trên laptop

Với Skylake, số lượng Core i5 lõi tứ trên laptop bỗng gia tăng đáng kể so với trước đây. Ví dụ, các laptop có sử dụng Core i5-6300HQ, i5-6350HQ và i5-6440HQ đều sẽ mang lại hiệu năng vượt trội so với Core i7-6500U. Trong các mẫu Core i5 kể trên, i5-6440HQ có xung nhịp cao nhất ở mức 2.6 GHz-3.5 GHz; 6300HQ và 6350HQ có cùng xung nhịp nhưng bản 6350HQ lại có đồ họa Iris.

Nhìn chung, nguyên tắc ở đây là khá đơn giản: hãy tìm các mẫu laptop có chữ "HQ" ở cuối tên chip. Kí tự H chỉ các dòng chip hiệu năng cao còn kí tự Q chỉ chip lõi tứ, do đó thực chất ngay cả chip có kí hiệu UQ và QM cũng sẽ có hiệu năng đủ tốt để chơi game, dù rằng chúng thường thua kém các mẫu HQ cùng số.

Các mẫu laptop chơi game cao cấp nhất thường dùng Core i7-HQ với 4 nhân vật lí và 4 nhân ảo. Bạn thậm chí còn có thể mua những chiếc laptop "khủng" nhất chạy chip Core i7-6820HK để ép xung, nhưng nếu đã có nhu cầu mạnh mẽ tới vậy có lẽ bạn nên chuyển sang desktop cho hợp lí.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Để gửi comment vui lòng điền đầy đủ thông tin bên dưới
Thong ke
. 0985 736 068

Liên hệ ngay với chúng tôi